Trong 3 ngày, từ ngày 20 - 22/9/2024, tại Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza diễn ra Hội chợ sản phẩm công nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội năm 2024 với quy mô 120 gian hàng.
Các ngành hàng tham gia hội chợ: Công nghiệp điện, điện tử; Công nghệ thông tin; Cơ khí; Nhựa; Bao bì; Trang thiết bị nội, ngoại thất; Hạ tầng khu công nghiệp; Chế biến thực phẩm; Kinh doanh dịch vụ…
Hội chợ sản phẩm công nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội năm 2024 với quy mô 120 gian hàng. |
Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ có các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của các tỉnh, thành lân cận TP.Hà Nội.
Hội chợ triển lãm các sản phẩm công nghiệp trong khu công nghiệp Hà Nội hàng năm là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đồng thời thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, góp phần thu hút đầu tư và tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khu công nghiệp
Trong thời gian tới, các khu công nghiệp Hà Nội sẽ ưu tiên đẩy mạnh thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất trong các khu công nghiệp, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo đúng định hướng của Thành phố.
Định hướng phát triển các ngành nghề sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp những năm tới với một số ngành công nghiệp có tính chất chủ lực và dẫn đường như công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghệ cao sinh học, công nghiệp hóa dược.
Với những điều kiện thuận lợi về địa lý - chính trị - hành chính - kinh tế - khoa học và công nghệ, nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao cùng với các chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư, các khu công nghiệp Hà Nội đang trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Theo báo cáo rà soát phương án phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hà Nội sẽ duy trì, phát triển và mở rộng 23 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.872,7ha, bao gồm 10 khu công nghiệp đang hoạt động là các khu công nghiệp: Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh, Thạch Thất - Quốc Oai, Phú Nghĩa, Sài Đồng B, Hà Nội - Đài Tư, Nam Thăng Long, Khu công viên công nghệ thông tin, KCN Hỗ Trợ Nam Hà Nội giai đoạn I.
Với 10 khu công nghiệp đang hoạt động, tính đến tháng 8/2024, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được 726 dự án đang hoạt động, vốn đăng ký trên 9,1 tỷ USD quy đổi, trong đó có 306 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD (5 dự án FDI hạ tầng khu công nghiệp vốn đăng ký 424 triệu USD); 420 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 45.000 tỷ đồng (10 dự án trong nước kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vốn đăng ký 18.530 tỷ đồng).
Có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ của nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó có một số quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu như: Nhật Bản, Singapo, Hồng Kông, Hàn Quốc, Hà Lan, Đài Loan… Trong đó, số dự án đầu tư nước ngoài của Nhật Bản chiếm tỷ trọng nhiều nhất (khoảng 60%) trong các dự án FDI.
Trong ba năm gần đây, mức tăng doanh thu bình quân đạt 6,5%/năm, nộp ngân sách nhà nước bình quân gần 300 triệu USD/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm; thu hút và giải quyết việc làm khoảng 16,7 vạn lao động.
Có thể nói, kết quả hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Hà Nội đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Với vai trò là cơ quan trực thuộc UBND TP.Hà Nội, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP.Hà Nội, những năm qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham mưu Thành phố những cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư dự án tại các khu công nghiệp.
Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các sở, ngành và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Thành phố xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức các gian hàng, hội chợ quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp;
Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp; làm việc với các đối tác, đã và đang đầu tư trong các khu công nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố…