Đánh giá sản phẩm

Không có dữ liệu

Doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam hơn 440 dự án

Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Việt Nam 441 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, đứng thứ 18/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Việt Nam 441 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, đứng thứ 18/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ký kết Biên bản Phiên họp lần hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt – Đức tại Berlin.

Ký kết Biên bản Phiên họp lần hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt – Đức tại Berlin.

Phiên họp lần 2 Ủy ban hỗn hợp Việt – Đức về hợp tác kinh tế vừa được tổ chức tại Berlin (Đức) dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức Udo Philipp.

Tham dự Phiên họp có đại diện doanh nghiệp Việt Nam, gồm: Tổng công ty Dược Việt Nam, Vietinbank, Vietnam Airlines, Becamex IDC, FPT, T&T Group... và các doanh nghiệp Đức, như: Siemens AG, Siemens Energy, Enertrag, Adidas, Drägerwerk, HDI Global...

Tại cuộc họp lần này, hai Bên đã trao đổi, đánh giá tổng quan về quan hệ kinh tế song phương cũng như thảo luận về các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như năng lượng, an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp 4.0, việc tháo gỡ các rào cản thương mại cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến, trong đó có dịch vụ, logistics để tận dụng một cách tối đa lợi ích mang lại từ Hiệp định EVFTA.

Biên bản Phiên họp lần hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt – Đức đã được 2 bên ký kết. Dự kiến, phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp 2 nước sẽ diễn ra trong năm 2025.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), chiếm 20% xuất khẩu của nước ta sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Việt Nam được xếp hạng đối tác thương mại thứ 33/232 nước xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Đức, hạng 49/206 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức.

Thương mại song phương tiếp tục được tăng tốc nhờ Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA).

Tính đến hết tháng 12 năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đức đạt gần 12,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 23,1%, chiếm hơn 71% giá trị xuất nhập khẩu với các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản...

Việt Nam nhập khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tập trung các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô...

Về đầu tư, hết năm 2022, Đức có 441 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, đứng thứ 18/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.

Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler – Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes – Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens...