Foxconn là một 3 nhà sản xuất iPhone lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy của Foxconn tại Hải Phòng. |
Đại kế hoạch của Pegatron
Thông tin về kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD của Pegatron tại Việt Nam đã chính thức được xác nhận. Và địa điểm mà nhà đầu tư đến từ Đài Loan này lựa chọn là Hải Phòng.
Thậm chí, không còn là kế hoạch, Pegatron đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khoản vốn đầu tiên của mình tại Hải Phòng vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, dự án đầu tiên này chỉ có tổng vốn đầu tư khoảng 19 triệu USD. Hiện nay, Pegatron đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD.
Dự án dự kiến được xây dựng tại KCN Nam Đình Vũ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch).
Khi đi vào hoạt động, Dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của Dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.
Theo kế hoạch, sau dự án thứ hai, Pegatron tiếp tục đầu tư dự án thứ ba, với quy mô 500 triệu USD, vào thời điểm 2025 - 2026. Đáng nói hơn, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam vào thời điểm phù hợp, dự kiến là cùng thời điểm triển khai Pegatron 3.
Như vậy, không chỉ đơn thuần là đầu tư nhà máy sản xuất, Pegatron còn dự kiến đầu tư cho hoạt động R&D, lĩnh vực mà lâu nay, Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư, nhưng chưa nhiều nhà đầu tư thực sự mặn mà đầu tư với quy mô lớn, ngoài Samsung.
Và cũng không còn là đồn đoán nữa, thêm một đại gia công nghệ toàn cầu đã theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển để tìm đến Việt Nam. Pegatron trên thực tế đã bắt đầu lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc từ cuối năm 2019, để “né” thương chiến Mỹ - Trung, cũng như để tránh nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu trong vụ kiện bằng sáng chế với Qualcomm. Kể từ đó tới nay, rất nhiều thông tin liên quan đến việc Pegatron đầu tư các nhà máy mới ở Indonesia, ở Ấn Độ, với quy mô cũng lên tới cả tỷ USD.
Tuy nhiên, trong các kế hoạch này, luôn gắn với các sản phẩm iPhone của Apple. Pegatron, cùng với Foxconn và Winstron chính là 3 nhà sản xuất iPhone lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi ở Việt Nam, theo như kế hoạch được đệ trình, thì nhiều khả năng, “ông lớn” Đài Loan này sẽ chỉ sản xuất các linh kiện điện tử, giống như Foxconn, Luxshare đang làm.
Điểm đến của các đại gia công nghệ
Hơn 10 năm trước đây, sau quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam của Tập đoàn Intel, hàng loạt đại gia công nghệ thế giới đã đến Việt Nam. LG, Kyocera, Nidec… đặc biệt là Samsung, là các nhà đầu tư nằm trong danh sách này, đã biến Việt Nam trở thành điểm đến của các đại gia công nghệ.
Và bây giờ, sau thương chiến Mỹ - Trung, đặc biệt là sau Covid-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, một làn sóng đầu tư dịch chuyển đang đổ vào Việt Nam. Trong làn sóng đó, sự xuất hiện của các đại gia công nghệ đã gây sự chú ý lớn của dư luận.
Rất nhiều thông tin cho biết, Microsoft, Google sẽ sản xuất các sản phẩm của mình tại Việt Nam. Thậm chí, cũng đã có những giấc mơ iPhone “made in Vietnam”, nhất là khi cả Foxconn, Luxshare đã liên tục tăng vốn đầu tư, con số cũng đã lên tới cả tỷ USD. Ngay cả Intel gần đây cũng đã nhắc đến kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Hơn nữa, ngoài Pegatron, hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang “vận động” Tập đoàn Universal Global Technology Co.Ltd (Đài Loan), thành viên Tập đoàn Công nghệ ASE Holding đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony. Nếu quyết định đầu tư, thì Universal Global sẽ chi 200 triệu USD cho giai đoạn I, sau đó sẽ nâng lên 400 triệu USD.
Càng có thêm nhiều tập đoàn như vậy, Việt Nam sẽ có tiền đề để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các thương hiệu hàng đầu thế giới, góp phần hình thành cụm linh kiện điện tử ở Hải Phòng, từ đó lan tỏa sang các địa phương khác, giống như Samsung đã làm được với Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM.
Quan trọng hơn, việc ngày có nhiều đại gia công nghệ tìm đến sẽ góp phần giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Đây cũng chính là một trong những định hướng và mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đặt ra khi xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, theo tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Chính vì điều này, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Pegatron và Universal Global đầu tư vào Hải Phòng. Trong đó có việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định về hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình tối đa, mật độ xây dựng và việc xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trên thực tế, trong làn sóng đầu tư đang dịch chuyển hiện nay, Việt Nam tuy là một điểm sáng, nhưng không phải là điểm đến duy nhất. Cả Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đều tung ra các chính sách thu hút đầu tư rất hấp dẫn, khiến cuộc đua đón làn sóng đầu tư dịch chuyển thêm gay gắt. Để nắm bắt cơ hội và thuyết phục các nhà đầu tư chọn điểm đến Việt Nam, thì cùng với việc phải chuẩn bị các điều kiện cơ bản như đất đai, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực…, cần thiết phải tháo rào cản, gỡ vướng mắc, nhất là trong quá trình làm thủ tục đầu tư.
Nguồn : baodautu